Mar 7, 2019
2238 Views
0 0

iGame GTX 1080Ti Neptune, giải pháp tản nhiệt chất lỏng cho VGA đầu tiên từ Colorful

Written by

Colorful chắc chắn đã dần quen thuộc với người dùng Việt Nam sau nhiều thời gian tiếp cận và chứng minh chất lượng của mình. Với sản phẩm mới, dòng mới hoàn toàn, thiết kế cũng mới hoàn toàn dù cái tên thì lại rất quen, Neptune, Colorful một lần nữa hướng đến những cột mốc khác, vươn mình sánh vai với các thương hiệu hàng đầu khác và đã tiệm cận mức có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng.

GTX 1080Ti Neptune vẫn thuộc dòng iGame, dòng VGA chuyên cho game thủ cao cấp của Colorful với sức mạnh thường cao hơn dòng thường đôi chút cũng như các thiết kế “chất” hơn, và đây cũng là VGA đầu tiên của thương hiệu này trang bị hệ thống tản nhiệt chất lỏng, chỉ một model duy nhất dành cho dòng VGA có GPU cao cấp nhất ở thời điểm hiện tại là GTX 1080Ti, cũng là dòng GPU dành cho máy bàn mạnh nhất, nóng nhất trong 1 năm nay.

Vậy, iGame GTX 1080Ti Neptune có điểm mạnh yếu ra sao về mặt thiết kế, hãy cùng OCZone dạo qua các chi tiết, thật chi tiết.

Bỏ qua vỏ hộp bao bì, bởi chắc chắn là nó rất to và dầy, tương tự như nhiều VGA trang bị tản nhiệt nước khác, với iGame GTX 1080Ti Neptune cũng tương tự, do đó chúng ta đến ngay với nhân vật chính và các phụ kiện chất lượng đi kèm. Trên hình là sản phẩm thực tế, không che, không “make up” với ánh đèn, có vẻ giản dị và không bắt mắt cho lắm, âu cũng là điều bình thường khi mà Colorful thực sự chưa đầu tư nhiều vào phần này với suy nghĩ đơn giản là chỉ cần quạt LED, gắn vào case thì ai mà để ý nữa đâu! Nhưng không, suy nghĩ này là lối mòn mà rất nhiều thương hiệu khác đã sa lầy trước đây, không có được ấn tượng tốt về hình thức là điểm trừ đáng kể.

Phần nhân vật chính thì không tệ và chúng ta nói đến nó sau. Về cơ bản, iGame GTX 1080Ti Neptune bao gồm hai phần chính là VGA và RAD (radiator), kết nối giữa hai khối chính này là hai ống nước được phủ lớp chịu lực và chống đứt, có tác dụng chuyển dòng chất lỏng nóng lên RAD và ngược lại, chuyển dòng chất lỏng đã làm mát về lại VGA để làm mát cho toàn bộ các linh kiện trên PCB, từ GPU, RAM cho đến các phase nguồn.

Mặt lưng của RAD là câu chuyện muôn thuở của các tản nhiệt dạng này, do lá nhôm mỏng nên dễ bị biến dạng ngay từ trước khi đến tay người dùng, dù rằng nó không ảnh hưởng đến hiệu năng và khi sử dụng cũng ít thấy nhưng khi tháo ra lắp vào thì nhiều người có thể không thích, ai cũng thích một sản phẩm đắt tiền của mình phải thật hoàn hảo. Bù lại, mặt lưng của iGame GTX 1080Ti Neptune phần VGA là một sự chỉn chu, hoàn thiện, ấn tượng tốt từ lớp “seal” cho đến các hoa văn đi kèm, có “chất” riêng.

Các giao tiếp có sẵn của iGame GTX 1080Ti Neptune, ổn định như nhiều VGA khác duy có điều số lượng loại cổng có sự khác biệt, hai HDMI và 2 DP, có vẻ như Colorful có sự khảo sát nhất định với người dùng, số lượng người dùng sử dụng hai màn hình giống nhau nhiều hơn rất nhiều so với 3 màn hình, và 2 giao tiếp giống nhau sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn, hoặc ít nhất cũng mang đến khả năng hỗ trợ các màn hình 4K thông qua giao tiếp HDMI dễ dàng hơn.

Nút Turbo, nút riêng của Colorful nói chung và dòng iGame nói riêng, khi nút này ở độ cao nhất so với tấm sắt thì nó được bật, và xung nhịp hoạt động của VGA sẽ tăng cao, nói cách khác chính là nút OC một chạm, hiệu năng được tăng cường rất đáng kể, hơn 5%, rất đáng giá.

Sơ sịa về hình thức nhân vật chính, giờ là đến các phụ kiện có giá trị và khó kiếm đi kèm theo, đầu tiên là bộ cáp chuyển nguồn phụ được trang bị sẵn, giúp VGA iGame GTX 1080Ti Neptune này có khả năng tương thích tốt hơn với các PSU đời cũ có ít đầu cắm PCIe.

Cáp chuyển này thường là được trang bị cho các tản nhiệt hai quạt, và trường hợp này cũng tương tự, hai quạt cho RAD, dùng cáp chuyển này bạn sẽ tốn ít chân cắm fan trên mainboard hơn và điều chỉnh tốc độ quạt cũng dễ dàng hơn.

iGame GTX 1080Ti Neptune cần 2 đầu cấp nguồn phụ PCIe 8pin như phần lớn VGA sử dụng dùng GPU, kiểu đầu cắm quay ra hiện đại, dễ cắm.

Ba đầu cắm, trong đó hai đầu dành cho quạt, một dành cho điều khiển đèn LED RGB, đồng nghĩa với việc vẫn còn một chân cắm quạt chừa sẵn, dành cho phiên bản ốp có thêm quạt làm mát nếu cần thiết, có thể nói là Colorful đã rất kỹ lưỡng trong việc thiết kế PCB, chi tiết và chuẩn bị sẵn như thường lệ.

Toàn cảnh mặt lưng PCB của iGame GTX 1080Ti Neptune sau khi tháo ốp, sạch sẽ, chỉn chu từng chi tiết, đặc điểm không thể thiếu đối với các VGA cao cấp có chất lượng.

Cận cảnh các linh kiện được hàn lên PCB bằng máy với dây chuyền sản xuất hàng loạt, điều này đơn giản là minh chứng cho một dây chuyền sản xuất VGA hoàn thiện cũng như khả năng tối ưu hệ thống sản xuất tốt của Colorful.

Tiếp tục là chi tiết cận cảnh linh kiện, lớp PCB cực kỳ sạch kèm lớp phủ là điều tối thiểu mà bạn sẽ có được khi sở hữu VGA iGame GTX 1080Ti Neptune.

Còn đây là chi tiết bên trong iGame GTX 1080Ti Neptune sau khi tháo ốp trước, khoan thất vọng vội, bởi những gì bạn đang thấy có vẻ là không đẹp mắt thực sự là chuyện bình thường đối với một khuôn mẫu mới, một sản phẩm mới, quan trọng là cái “chất” của từng chi tiết. Riêng phần ốp vào lấy nhiệt lượng tỏa ra từ các linh kiện đều đặn và đầy đủ đã là một điểm cộng, chất lỏng tản nhiệt được truyền đi các nơi trọng yếu nhất, tỏa nhiều nhiệt lượng nhất.

Phần keo dán bảo vệ có vẻ như đã làm xấu đi khá nhiều bên trong này, dù rằng không người dùng nào tháo ra để xem cả nhưng nó vẫn chưa được đẹp do làm thủ công và bề mặt gồ ghề, nhưng, Colorful đã gia công rất kỹ lưỡng phần này nếu như bạn để ý, để đảm bảo phần LED sẽ truyền ánh sáng đi đều ở các nơi mà họ muốn trong khi đảm bảo mạch LED này vận hành ổn định nhất.

Thermal Pad có thể dán không đẹp nhưng đầy đủ, chỉ riêng phần đế “block” được gia công kỹ lưỡng đã mang đến hiệu năng tản nhiệt ấn tượng rồi, và các tấm dẫn nhiệt cũng tiếp xúc rất đều với các linh kiện bên dưới. Với các VGA cao cấp, tản nhiệt hoàn thiện cho toàn bộ thành phần sẽ đảm bảo hiệu năng vận hành cao nhất và cả sự ổn định nữa, chất lượng phần cứng dù tốt đến đâu nhưng tản nhiệt kém thì cũng cho ra một sản phẩm không đủ chất lượng.

Toàn cảnh PCB của iGame GTX 1080Ti Neptune sau khi tháo toàn bộ hệ thống tản nhiệt, vẫn tương tự như các VGA dòng iGame khác, mọi thứ đều ấn tượng từ chất đến hình thức.

Cận cảnh GPU GeForce GTX 1080Ti.

Và cận cảnh IC RAM do Micron sản xuất, khả năng OC vừa phải, thấp hơn so với IC Samsung nhưng cao hơn các loại còn lại.

Cận cảnh phase nguồn cho GPU, FET chất lượng cao, cuộn tỏa nhiệt thấp với trở kháng thấp và dàn tụ lọc chuyên dùng, các linh kiện mà bạn đang thấy đã và đang tạo nên một dòng VGA iGame chất lượng cho Colorful, giúp tên tuổi họ ngày càng phát triển.

Và hệ thống thử nghiệm thực tế VGA iGame GTX 1080Ti Neptune, với cấu hình như sau:

  • Mainboard: GIGABYTE X299 Ultra Gaming
  • CPU: Intel Core i9-7960X
  • RAM: Kingston HyperX Predator 4GBx4 3000MHz DDR4
  • SSD: Intel 600P 256GB
  • PSU: FSP TWIN 500W
  • HSF: Cooler Master MasterLiquid 120
  • OS: Windows 10 Pro 64bit

Đầu tiên, thử ngay nhiệt lượng cao nhất khi “stress” GPU toàn diện, con số 59 độ C đã tạo kinh ngạc cho người viết, và sau đó dù sử dụng chế độ “burn-in” thì nhiệt độ cũng không vượt quá 61 độ C.

Đây chính là VGA mát nhất sử dụng GPU GTX 1080Ti từng được thử nghiệm.

Kết quả benchmark này được thử nghiệm dựa trên xung nhịp mặc định, không bật nút Turbo, thử nghiệm OC và nút Turbo sẽ để sau. Bộ benchmark chuẩn từ Futuremark và hai game DirectX 12 phổ biến, khó có gì mà làm khó được GPU GTX 1080Ti với độ phân giải Full HD, hiện tại là như vậy, các thử nghiệm 4K xin hẹn các bạn ở thử nghiệm khác.

Thử nghiệm với nút Turbo, xung nhịp GPU được đẩy lên mức gần 1600MHz và vận hành ổn định, độ ổn định đạt được với thử nghiệm của 3DMark đã nằm trong nhóm các VGA ổn định nhất.

Và ép xung thêm thì sao? Đây chỉ là màn dạo chơi với điện năng mặc định, dễ dàng kéo được xung Core 1800MHz nhưng để ổn định thì cần thêm điện năng thông qua điều chỉnh phức tạp hơn, do đó người viết test ở mức ổn định cao nhất có thể, và con số đạt được là 1660MHz, hiệu năng 3DMark Time Spy đã vượt ngưỡng 10K điểm dễ dàng, muốn cao hơn, đơn giản hơn là ép thêm RAM, chắc chắn việc vượt 1500MHz là không khó khăn, và bạn đọc có thể tự làm việc này với hệ thống của mình thông qua ứng dụng như trong hình bên dưới.

Kết quả thử nghiệm sau khi dạo chơi ép xung GPU một chút, cao hơn mức Turbo khoảng 100MHz, chưa OC RAM, xung nhịp CPU mặc định.

Thay lời kết, hiện tại iGame GTX 1080Ti Neptune đang được khuyến mãi bộ sản phẩm SSD Colorful và 2 quạt LED RGB đẹp mắt hơn, giá bán lẻ 23.900.000 VND, rẻ hơn so với các sản phẩm cùng thiết kế khác, tính thêm quà tặng thì lại càng rẻ. Với mức nhiệt độ đạt được, có thể nói dù hình thức không ấn tượng cho mấy nhưng hiệu năng là quá tốt, sức mạnh đồ họa thể hiện đúng được sức mạnh của GPU GTX 1080Ti. Với nhiệt lượng thấp, khả năng ép xung là rất hứa hẹn và đảm bảo ổn định kể cả khi ép xung, tất nhiên là ngưỡng bao nhiêu thì tùy thuộc vào “độ chơi” của bạn. Với cá nhân người viết, nếu thùng máy đủ rộng rãi cho RAD 240cm và kinh phí không phải là vấn đề, việc lựa chọn VGA này để chiến game là điều nên được ưu tiên hàng đầu.

SG, 10-2017

Article Categories:
Reviews

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *