Khi những vi xử lý thế hệ 6 của Intel được phát hiện có thể ép xung bằng cách thay đổi BCLK, đã có những thông tin từ ASRock cho biết các chip này cũng có thể ép xung trên các bo mạch chủ sử dụng chipset khác Z170. Super Micro đã có bo mạch chủ H170 với khả năng ép xung bằng BCLK được vài tuần nay, còn ASRock đã thông báo tại CES rằng họ cũng sẽ có 4 bo mạch chủ với khả năng tương tự.
Mặc dù việc ép xung thường làm tăng hiệu năng xử lý, nhưng có một số vấn đề khá nghiêm trọng khi thực hiện ép xung với các chipset non-Z170. Bản thân người dùng sẽ phải tìm hiểu các mặt lợi, hại của việc ép xung để tự mình đưa ra quyết định xem sẽ chọn bo mạch chủ loại nào.
Mod lại chipset để OC
Trừ chipset Z710, những chipset Intel dành cho socket LGA1151 thường không cho phép người dùng điều chỉnh điện áp hay những thông số phần cứng khác, chẳng hạn như hệ số nhân, xung tham chiếu, Vdrop, …. của CPU để phục vụ OC. Đó mới chỉ là một phần, bởi những tính năng này không được hỗ trợ trên các chipset non-OC ngay từ bước thiết kế, nhưng cái chính là vì những tính năng này chẳng để làm gì khi mà bạn không thể ép xung, vì thế các nhà sản xuất bo mạch chủ không muốn phí phạm nguồn lực vào việc cải tiến nó.
Để kích hoạt khả năng ép xung trên các chipset như H170 hay B150, cần có sự thay đổi về phần cứng và cả firmware hỗ trợ. Điều này có thể thực hiện từ những nhà sản xuất bo mạch chủ, nhưng nó sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Asus, ASRock và MSI đều cho biết những chipset non-Z170 sau khi chỉnh sửa sẽ mất tính năng hỗ trợ Hyper-Threading và không thể sử dụng C-states để giảm điện năng tiêu thụ khi hệ thống ở chế độ chờ.
Với những tay chơi ép xung thì chuyện không sử dụng được C-states không có ảnh hưởng gì, bởi họ thường tắt C-states để có thể đạt kết quả cao hơn. Nhưng Hyper-Threading thì lại khác, mất hỗ trợ HT là mất đi một phần không nhỏ hiệu năng hệ thống khi chạy đa nhiệm, vì thế nó rất đáng chú ý.
Trước các vấn đề này, các nhà sản xuất bo mạch chủ đã có những phản hồi khác nhau về chuyện phát triển những sản phẩm hỗ trợ ép xung trên chipset non-Z170. Trước khi đi vào cụ thể, chúng ta cần làm rõ một số điểm sau:
Thứ nhất, các chipset H170, H110, B150, Q170, Q150, C232 và C236 đều có hỗ trợ HT và C-states, nhưng những thay đổi về phần cứng cần thiết để có thể ép xung sẽ làm cho HT và C-sates không còn tác dụng, cho dù bạn có ép xung hay không, và với mọi loại CPU bạn dùng. Vì thế, nếu không có ý định ép xung, bạn hãy chọn một bo mạch chủ với chipset nguyên bản.
Thứ hai, các tính năng không còn được hỗ trợ là chuyện của bo mạch chủ chứ không phải của CPU. Bạn cắm con CPU đó sang một bo mạch chủ Z170 thì nó vẫn có thể sử dụng HT và C-states bình thường.
Asus
Ngoài những vấn đề đã nêu ở trên, Asus còn thông báo các bo mạch chủ sử dụng chipset sửa đổi sẽ mất hỗ trợ một số tập lệnh, đồng thời độ tin cậy của bo mạch chủ cũng thấp hơn đáng kể.
Một đại diện của hãng cho biết việc phát triển và bán những bo mạch chủ này sẽ làm giảm uy tín của hãng trên thị trường PC. Asus rất rõ về điều đó nên người dùng sẽ khó có thể trông chờ một phiên bản bo mạch chủ sử dụng chipset sửa đổi đến từ Asus.
ASRock
ASRock thì lại ngược lại, họ đã sẵn sàng ra mắt 2 mẫu bo mạch chủ sử dụng chipset H170, một mẫu sử dụng B150 và một mẫu khác sử dụng C232 phục vụ cho ép xung. ASRock cũng nói rõ những hệ thống này sẽ không hỗ trợ HT và C-states, và mặc dù những lỗi này là không thể khắc phục được, ASRock vẫn muốn đưa nó đến với những người dùng có nhu cầu.
Vì không có HT, cách làm này không được khuyên dùng với những CPU Core i3, i7 hay Xeon có HT mà nên dùng với Celeron, Core i5 và các CPU Xeon không có HT để đạt hiệu quả OC tốt nhất.
GIGABYTE
GIGABYTE không có ý kiến gì nhiều về vấn đề này, và cũng chưa tiết lộ liệu họ có kế hoạch tung ra bo mạch chủ với chipset sửa đổi hay không.
MSI
Ngoài những hệ thống Z170 đã có, hiện MSI chưa tính đến chuyện sẽ ra mắt các bo mạch chủ sử dụng non-Z170 sửa đổi vì lo ngại về độ tin cậy cũng như việc mất các tính năng quan trọng. Tuy nhiên hãng đã đang thử nghiệm và có thể sẽ tung ra sản phẩm nếu nhận thấy thực sự có nhu cầu lớn từ người dùng.
Super Micro: sự khác biệt
Không giống như các nhà sản xuất khác, Super Micro đã tìm ra cách để cho phép ép xung trên các chipset non-Z170 nhưng vẫn giữ lại được HT cho hệ thống. Super Micro tuyên bố họ là nhà sản xuất đầu tiên phát triển các bo mạch chủ non-Z170 cho phép ép xung các CPU Skylake.
Bo mạch chủ C7H170-M H170 có giá cũng “kha khá” so với các bo mạch chủ Z170, nhưng nó là minh chứng cho việc có thể ép xung trên các chipset H170 mà không cần phải hy sinh tính năng HT. Và có vẻ như chúng ta sẽ còn thấy thêm những bo mạch chủ khác như vậy của Super Micro.
C-states vẫn không thể sử dụng, nhưng như đã nói ở trên, vấn đề này không thực sự cần phải lưu tâm cho lắm.
Hãy chọn lựa cẩn thận
Do cần thiết phải có sự chỉnh sửa phần cứng trên các bo mạch chủ non-Z170 để phục vụ ép xung nên trừ khi nhà sản xuất bo mạch chủ khẳng định có thể sử dụng tính năng này, bạn đừng hy vọng có thể ép xung trên những bo mạch chủ non-Z170. Hãy chọn lựa bo mạch chủ một cách cẩn thận, bởi nếu chọn sai bạn có thể chỉ nhận được hiệu năng của một CPU Core i5 khi bỏ tiền mua một chiếc CPU Core i7!