Thật tâm mà nói thì nó chính xác là như vậy, với những ai đã quen đọc các tác phẩm của hai cây bút Lâm Gia Thái Bảo thì thật sự là lượng kiến thức được sử dụng trong từng tác phẩm, từng ngành nghề có trong truyện đều có sự chính xác nhất định, và tất nhiên phần đông trong chúng ta cũng không thể nào biết hết được. Sự học là mãi mãi, học có nhiều cách, và cách thả mình theo từng con chữ của tác phẩm tác giả mình yêu thích rõ ràng luôn là một cách tốt. Tác phẩm Ma Giang Thương Hồ lần này cũng vậy, ngành nghề chủ đạo lần này là nghề đi ghe, thuyền ở miền Tây thời kỳ Pháp mới chiếm Nam Kỳ và Việt Nam, cũng chính vì vậy mà lần đầu tiên, tác giả thể hiện một bối cảnh vừa mới vừa lạ, một màu sắc khác biệt rất nhiều so với toàn bộ các tác phẩm đã ra đời trước đây.
Mình luôn có thói quen khi viết đôi dòng về tác phẩm như sách hay phim thì sẽ hạn chế tối đa việc nói đến tình tiết trong đó, bởi như vậy sẽ khiến trải nghiệm của các bạn đối với tác phẩm bị ảnh hưởng rất lớn, do đó, nếu bạn muốn có một tóm tắt đại khái về truyện thì bạn đã ở nhầm chỗ rồi.
Trở lại với tác phẩm Ma Giang Thương Hồ, ngoài bố cục cơ học văn chương thường thấy thì lần này tác giả hiền lành hơn rất nhiều, mọi thứ dễ đọc và dễ hiểu hơn rất nhiều, có lẽ là vì tác giả đánh giá bản thân tác phẩm có đủ sức hút mà nó cần có, không cần làm mọi thứ phức tạp thêm, không cần đánh đố đọc giả cũng như chiêu trò nào khác. Và thực sự, thì mình thích điều này, ở một tác phẩm độc lập với thế giới Cửu Long Quái Sự Ký (chính xác là thời điểm xảy ra ở giai đoạn đầu của nhiều thứ sau này), nó nên như vậy, cái chính, là nó giúp người đọc có thể hiểu được vì sao mà con người đó lại phù hợp với gia tộc đó, với ngành nghề đó và cách hành xử, cái mưu mô, cái tính tình, cách nói chuyện nó từ đâu mà ra.
Mọi thứ đều có lý do và quá trình của nó!
Cái điểm mới nhất, đó chính là dù vẫn giữ chất là các tình tiết ma mị và tâm linh, vẫn là các cách đánh nhau và đòn võ, chiêu thức, vẫn là các đặc tả miền Tây sông nước quá đỗi chân thực cũng như cách giao tiếp với nhau của bà con. Nhưng, cái bối cảnh cùng cực của con dân nước Nam khi bị xâm lược, sự bí bách nó cũng được xây dựng ấn tượng và chân thực không kém, đôi chỗ nó còn khiến người đọc cảm thấy nghẹn ngào bởi những tình huống và tình cảnh mà kể cả coi phim đôi khi cũng khó mà tạo được nhiều cảm xúc như vậy, đó chính xác là sự khốn khổ vô cùng mà bản thân những người trong cuộc hoàn toàn không có đủ kiến thức và kỹ năng để biết làm thế nào để thoát ra khỏi nó được. Cái chân thực tiếp theo đó chính là đám Việt Gian, thật tâm thì ở đâu cũng vậy, phàm là con người thì trong hoàn cảnh nào cũng có người này người kia, thời nào cũng vậy, chúng ta trách họ thì cũng được, trừng trị họ thì cũng được, nhưng nếu nghĩ xa hơn thì phải nhìn cái đại cuộc, nếu thực sự chán ghét và muốn thay đổi thì phải phải thay đổi triệt để, giải quyết vấn đề tận gốc và cả cái căn cơ của nó. Đây cũng là cái điểm mà mình thích nhất ở quá trình trưởng thành của các nhân vật, của cái kết ở tác phẩm này, một cái kết dù không đao to búa lớn nhưng nó cũng ngầm nói rất rõ ý (cái này tui võ đoán, tác giả thật sự muốn gì tui không thể thay mặt nói được nha):
Làm gì cũng được, vai trò gì cũng được, nó vẫn đảm bảo thành quả là cái mình muốn hướng đến là được.
Tất nhiên, cái câu trên là trong bối cảnh của truyện, thời còn hỗn loạn giữa nhiều thế lực trong nước và ngoại bang. Với thời hiện đại, cái đó cũng không sai, chỉ cần bạn nhớ thêm một câu là luôn luôn thượng tôn pháp luật là được, và nhớ nhen, trách nhiệm với hành động của mình là thứ mặc định, là thứ làm nên nền tảng của bất cứ ai có khả năng và mong muốn làm việc lớn. Bạn muốn mình lớn? Hãy tập chịu trách nhiệm, bớt giải thích, hãy coi cái cách mà các nhân vật trong truyện tư duy, dù lớn dù bé, cái từ trách nhiệm nó mặc định nằm trong máu của dân ta rồi, đừng lảng nó đi thì mặc định bạn đã có thừa tư cách để làm nên chuyện trong trời đất này rồi.
Nói tóm lại, dù bối cảnh truyện là khác thời hiện đại, nhưng những cái cơ bản nó đều như nhau, luôn luôn có các kiểu người như vậy, luôn luôn có những cám dỗ đó, luôn luôn và luôn luôn, hình thức có thể khác nhau mà thôi. Vậy bạn có thực sự yêu thương gia đình bạn, quê hương của bạn? Không, cái đó quá xa vời. Hãy tự hỏi trước, ta có thực sự yêu thương ta chưa? Ta đã làm gì để bản thân ta có trách nhiệm với chính ta chưa? Ta có thừa nhận sai lầm và có hành động khác để bù đắp lỗi lầm đó chưa? Thực sự làm được chuyện đó, thì tính đến người khác, chuyện khác, hen.
Còn về tác phẩm Ma Giang Thương Hồ, tui có lời khen tác giả, một màu sắc mới bổ sung thêm vô một thế giới vốn dĩ đã quá ấn tượng rồi. Với người đọc nhiều sách, mọi người có thể cho rằng đây là một tác phẩm dã sử cũng không sai, nhưng nó có màu sắc linh dị và bình dân về ngôn từ hơn rất nhiều, đặc biệt gần gũi với người dân miền Tây. Nó chính xác là sự kết hợp giữa các màu sắc: dã sử + trinh thám + hành động + tâm lý + tình cảm + phát triển bản thân.
Cảm ơn hai tác giả, một tác phẩm ấn tượng, một rừng chữ đáng đọc và thưởng lãm (bớt sai chính tả lại là được). Còn cá nhân tui, thì tui có sự đồng cảm với nhân vật Thuần trong chuyện, nó ra sao, thì mời các bạn đọc truyện, nghe đồn sắp được xuất bản xịn đàng hoàng.
Đà Lạt, 11/2023